Mở cửa 7:30-16:30: Thứ 2 - Thứ 6
Công ty CP phân bón và hoá Chất Cần Thơ

Nông nghiệp Việt Nam tiếp cận thách thức & cơ hội 5.0

Công nghiệp 5.0 gợi mở tầm nhìn về một nền nông nghiệp hiệu quả, năng suất cao, trong đó sự hợp tác của con người với khoa học - công nghệ được đề cao.

Ngày 29/5, Chuyên đề 2 của Hội thảo Quốc tế về nông nghiệp hiệu quả cao tại Việt Nam 2022 được Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (NIC AU) tổ chức, diễn ra tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối với nhiều điểm cầu trên thế giới như Hoa Kỳ, Australia... Chủ đề của hội thảo lần này đề cập về “Ứng dụng công nghệ 5.0 để đổi mới phát triển bền vững ngành nông nghiệp và chuỗi cung ứng nhằm nâng cao chất lượng, phân phối, và giá trị nông sản một cách hiệu quả tuần hoàn".

Cơ hội song hành mục tiêu

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa rộng rãi với sự nỗ lực của nhiều quốc gia trong chuyển đổi số dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của các thành phố thông minh lấy công nghệ làm trung tâm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, như tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác, trái đất ấm lên, chênh lệch kinh tế ngày càng gia tăng… thì việc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng là rất cấp thiết. Đặc biệt, ngành nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp dễ tổn thương và chịu nhiều tác động của sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp.

“Tôi cho rằng cuộc cách mạng 5.0 là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất và cụ thể ở đây là hàng chục triệu nông dân Việt Nam sẽ được tiếp cận, đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị kể cả về kinh tế cũng như xã hội, nâng cao thu nhập. Đây cũng là mục tiêu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ rằng, để mang đến những tác động tích cực cho cộng đồng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã kết nối hàng trăm đại diện, các hợp tác xã, các doanh nghiệp để tham dự, lắng nghe và cùng chia sẻ ý kiến với các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Vào cuộc đồng bộ

Ông Kenneth Trần, nhà sáng lập Công ty Koidra, cho biết Koidra lấy việc giải quyết các bài toán toàn cầu làm động lực, ví dụ như nhu cầu lương thực gia tăng nhưng tài nguyên thiên nhiên ngày càng hạn chế; thiếu kĩ sư nông nghiệp có chuyên môn phục vụ chuyển dịch sang canh tác nhà màng, nhà kính; trồng trọt chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chứ không phải khoa học - công nghệ nên hiệu quả chưa cao; các dữ liệu và thông tin tản mát, không có sự tập trung như các chủ đề “4.0” hay “5.0” Việt Nam đang hướng tới.

Từ đó Koidra đã cho ra đời Dự án Công ty Betafarm với mục tiêu xây dựng nhà kính ở Việt Nam cũng như các nước trong khu vực. “Việt Nam có rất nhiều lợi thế, bao gồm tài nguyên và khí hậu, môi trường nhiều ánh sáng rất phù hợp với mô hình trồng trọt trong nhà kính. Một điều đặc biệt nữa, thị trường Việt Nam đang có nhu cầu ngày càng lớn đối với nông sản chất lượng cao, nông sản sạch. Nếu các mô hình cho năng suất cao sẽ mở cơ hội xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Việt Nam có thể thay đổi, từ nước nhập khẩu công nghệ thành nước xuất khẩu công nghệ nông nghiệp".

Lý giải từ tiến trình cách mạng công nghiệp (CMCN) từ 4.0 lên 5.0, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong khi CMCN 4.0 là sự kết hợp giữa robot, trí thông minh nhân tạo, thiết bị kết nối mạng nhanh và dữ liệu lớn trong một môi trường sản xuất, hoạt động hiệu quả, nhanh chóng của các nhà máy công xưởng phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ thì ở cuộc CMCN 5.0 lại tập trung vào sự hợp tác giữa con người và máy móc, trí thông minh của con người sẽ hoạt động hài hòa với điện toán nhận thức, qua đó nâng cao kỹ năng của người công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tuỳ biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa.

Theo ông Hà Văn Thắng, đổi mới sáng tạo từ những cuộc cách mạng công nghiệp kể trên chính là nền tảng của kinh tế tuần hoàn và cũng là một trong những yếu tố giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững.

“Kinh tế tuần hoàn không nên bị trói buộc bởi không gian, phạm vi nào đó mà còn cần phải có tính lan tỏa, mang tính xã hội, là nơi các tổ chức, doanh nghiệp nòng cốt dẫn dắt và các hộ nông dân tham gia”, ông Thắng cho biết.

Theo các chuyên gia, để hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 hay 5.0 phù hợp nhất với đặc thù ngành nông nghiệp Việt Nam không những cần sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp mà chính các nhà quản lý, bộ, ngành liên quan nắm vai trò rất quan trọng.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách Phát triển Nông nghiệp, nông thôn, Bộ NN-PTNT, chia sẻ về ba nhóm vấn đề.

Thứ nhất là về vấn đề vĩ mô - chính sách Nhà nước. Hiện nay, về khía cạnh quốc gia, chúng ta đã có một chiến lược chung phát triển chuyển đổi số tập trung cả ba nhóm kinh tế - xã hội - con người. Bức tranh chuyển đổi số đã có sự thẩm thấu ngay từ chiến lược của nhà nước.

Thứ hai, Thủ tướng vừa phê duyệt Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó xác định một mảng vô cùng quan trọng: khoa học - công nghệ. Đây là nền tảng để tạo sự tăng trưởng, nâng cao hiệu quả công việc trong thời gian tới. Mặc dù có những lợi thế về đất, nước và lao động, Việt Nam không thể duy trì mãi mãi các nguồn lợi này.

Thứ ba, cá nhân tôi thấy cấp Trung ương, Bộ, rồi đến địa phương đều quan tâm đến khoa học - công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số, công nghệ 4.0. Công nghệ 5.0 tuy còn mới nhưng chúng ta đang dần dần tiếp cận.

Bạn đang xem: Nông nghiệp Việt Nam tiếp cận thách thức & cơ hội 5.0
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *